Ứng Dụng Phong Thủy Trong Đời Sống Người Việt: Một Cái Nhìn Toàn Diện

I. TỔNG QUAN VỀ PHONG THỦY

Phong Thủy từng bị lãng quên do chiến tranh và khó khăn kinh tế, nhưng nay đã trở lại và được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong kiến trúc và xây dựng. Như triết gia Kant từng nói: “Cái gì tồn tại thì phải có lý”.

Theo Hán Việt, “Phong” là gió, “Thủy” là nước, nhưng Phong Thủy không đơn thuần chỉ là vậy. Nhiều trường phái đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau, song định nghĩa phổ biến nhất là:
Phong Thủy là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường sống.

Chúng tôi đề xuất một khái niệm sâu hơn:
Phong Thủy là một ngành khoa học tổng hợp, kết nối tri thức của kinh dịch, địa lý, vũ trụ học, sinh học, vật lý, toán học, tâm linh… nhằm tạo ra môi trường sống hài hòa và bền vững cho con người.

Trong thời gian dài, yếu tố tâm linh từng bị coi là duy tâm, phản khoa học. Nhưng ngày nay, với cái nhìn cởi mở hơn, khoa học hiện đại đã bắt đầu thừa nhận những khía cạnh phi vật chất trong cuộc sống.

Chúng tôi đề xuất một phương pháp nghiên cứu mới: “Phương pháp Vật – Tâm biện chứng”, kết hợp giữa duy vật và duy tâm cùng với tư duy logic, nhằm hiểu rõ hơn về sự vận động đa chiều của vũ trụ và con người.

Một ví dụ dễ hiểu: Máy tính có phần cứng và phần mềm. Kiến trúc là phần cứng, còn Phong Thủy chính là “phần mềm” quyết định việc sống trong ngôi nhà đó có thuận lợi, hòa hợp hay không. Tâm không tốt thì Phong Thủy cũng vô dụng. Vì vậy, cần xây dựng “Văn hóa Phong Thủy” mang bản sắc Việt Nam.

Phong Thủy truyền thống dựa trên ba nguyên lý nền tảng:

  1. Cân bằng Âm – Dương

  2. Ngũ hành tương sinh – tương khắc (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ)

  3. Tam tài: Thiên – Địa – Nhân

Phong Thủy hiện đại cần kết hợp lý thuyết và thực nghiệm, mô hình hóa bằng toán học, tin học, thống kê… để trở thành Khoa học Phong Thủy, phục vụ thực tế cuộc sống.

Thuật Phong Thủy chính là việc ứng dụng các nguyên lý trên vào đời sống: treo gương bát quái, bố trí cây xanh, thiết kế không gian theo hướng gió, ánh sáng… và hướng tới phát triển Công nghệ Phong Thủy trong tương lai.


II. ỨNG DỤNG PHONG THỦY TRONG KIẾN TRÚC – XÂY DỰNG

Phong Thủy được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế nhà ở, văn phòng, đô thị. Vì mục tiêu chính là tạo ra môi trường sống hài hòa, khỏe mạnh, thịnh vượng cho con người.

Trong nhà ở, các yếu tố như vị trí cổng, hướng nhà, bố trí phòng khách, phòng ngủ, bàn thờ… đều chịu ảnh hưởng bởi Phong Thủy. Đây chính là điểm khác biệt giữa thiết kế phương Tây và thiết kế mang bản sắc Việt.

Ngày nay, nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan… áp dụng Phong Thủy vào thiết kế văn phòng, khách sạn, nhà hàng để tăng hiệu quả kinh doanh – gọi là Phong Thủy Văn phòng.

Ở cấp độ cao hơn, xây dựng đô thị cũng cần tuân thủ nguyên lý Phong Thủy như: gió, nước, giao thông, địa thế… Rất nhiều thủ đô trên thế giới đều nằm bên dòng sông – một biểu hiện rõ nét của nguyên lý “Tả Thanh Long – Hữu Bạch Hổ”.

Trong thực tế, có ba nhóm nhà Phong Thủy:

  1. Nhà Phong Thủy học: người có trình độ khoa học cao, nghiên cứu lý thuyết

  2. Thầy Phong Thủy: có khả năng đặc biệt dù không học thuật nhiều

  3. Dị nhân: kết hợp cả kiến thức và năng lực đặc biệt (ví dụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lý Đạo Thành, Tả Ao…)

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Kiến trúc sư và Nhà Phong Thủy thường gặp khó khăn do khác biệt về chuyên môn. Vì thế, cần giảng dạy Phong Thủy cho sinh viên ngành Kiến trúc, giúp họ tích hợp yếu tố Phong Thủy vào thiết kế hiện đại.

Một số trường như Đại học Duy Tân, ĐH Xây dựng Hà Nội đã đưa Phong Thủy vào chương trình đào tạo – là tín hiệu tích cực.

Việc học Phong Thủy không chỉ dành cho chuyên gia, mà nên phổ cập cho tất cả những ai quan tâm đến môi trường sống của mình. Viện Kiến trúc Phong Thủy nên mở các lớp đào tạo ngắn hạn, góp phần xây dựng môi trường sống hài hòa, bền vững và mang đậm bản sắc dân tộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *